Tiếng Nhật Shina

Một con tem 5 sen của bưu chính Nhật Bản, phát hành năm 1900, trên đó có từ Shina.

Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất (1894-1895) đã khơi lên quan niệm rằng từ Shina có sắc thái tiêu cực đối trong cộng đồng người Trung Quốc. Tuy nhiên dù ít dù nhiều từ này vẫn tiếp tục mang nghĩa trung lập, ví dụ có một phái Phật giáo tên là "Chi Na nội học viện" (tiếng Trung: 支那內學院) được thành lập vào năm 1922 ở Nam Kinh. Vào lúc đó, từ Shina phổ biến trong tiếng Nhật cũng như từ China trong tiếng Anh. Sắc thái tiêu cực biểu hiện nếu thêm vào các tính từ, chẳng hạn bōgyakunaru shinahei (暴虐なる支那兵, nghĩa là "(những) tên lính Shina hung bạo"), hoặc dùng các thuật ngữ xúc phạm như chankoro (チャンコロ, bắt nguồn từ cách tiếng Mân Nam Đài Loan đọc chệch 清國奴 (Hán-Việt: Thanh quốc nô, nghĩa là "nô lệ của nhà Thanh"), được dùng để chỉ người Trung Quốc).

Các văn bản Nhật Bản chính thức dùng thuật ngữ Shina Kyōwakoku (支那共和国, Hán-Việt: Chi Na Cộng hòa quốc) từ năm 1913 đến 1930, trong khi văn bản Trung Quốc thì dùng tên Trung Hoa Dân Quốc (tiếng Trung: 中華民國). Shina Kyōwakoku là cách dịch từ tên tiếng Anh Republic of China, trong khi phát âm của tên gọi Trung Hoa Dân Quốc theo tiếng Nhật phải là Chūka Minkoku. Phía Trung Quốc gây sức ép không chính thức lên Nhật Bản vì muốn nước này dùng cách gọi sau nhưng Nhật Bản từ chối. Bốn lý do mà nước này từ chối dùng Chūka Minkoku là: (1) thuật ngữ mang nghĩa Trung Quốc là "trung tâm thế giới" thật là kiêu căng; (2) các quốc gia phương Tây dùng từ China; (3) Shina là tên gọi phổ biến trong tiếng Nhật trong nhiều thế kỷ và (4) ở miền tây Nhật Bản đã có địa danh Chūgoku (phiên âm Hán-Việt cũng là "Trung Quốc"). Năm 1930, Nhật Bản chính thức dùng tên gọi Chūka Minkoku để chỉ Trung Hoa Dân Quốc nhưng từ Shina vẫn phổ biến suốt các thập niên 1930 và 1940.[2]

  • Một bản đồ hài hước của Nhật Bản, in năm 1914, trên đó khắc họa các quốc gia như là những loài động vật: Trung Quốc (Shina) bị vẽ là con lợn đang xem phong vũ biểu
  • Bản đồ Trung Quốc do Nhật Bản vẽ, in năm 1937, dùng từ Shina để chỉ Trung Quốc.
  • Báo Asahi Shimbun loan tin về biến cố Thượng Hải ngày 14 tháng 8 năm 1937, gọi Trung Hoa Dân Quốc là "bạo quyền Shina".